Trong hai ngày 7-8/12 tại Hà Nội, một số cán bộ giảng viên của Khoa Lịch sử đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V với chủ đề “Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập” do Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế và Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội đồng chủ trì cùng 7 đơn vị thành viên phối hợp tổ chức.
Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế như Pháp, Nhật Bản, Thái Lan... Từ hơn 150 bài nghiên cứu được gửi về, Hội thảo đã lựa chọn khoảng 100 bài để đăng trong kỷ yếu. Bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh), Hội thảo tập trung vào các chủ đề liên quan đến giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập.
Theo ban tổ chức, các diễn giả chính (keynote speakers) tham gia hội thảo đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến văn hóa và giáo dục, như: GS Thái Kim Lan, GS Jean Noriyuki NISHIYAMA, TS Nannaphat Saenghong, TS NAKOULMA Mariame Viviane, TS PHAN-LABAYS Thị Hoài Trang. Cùng với đó là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý: PGS.TS Nguyễn Lưu Lan Anh (Viện Tâm lý và Giáo dục Liên văn hóa, Đại học Eötvös Loránd, Hungary), PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, TS Steffen Kaupp (Viện Goethe Hà Nội), TS Prasong Saihong (Đại học Mahasarakham, Thái Lan),....
Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia giáo dục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về giáo dục liên văn hóa; việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp nhận các bản sắc văn hóa khác nhau trên thế giới, hướng tới một viễn cảnh toàn cầu hóa đa dạng, tương tác, bình đẳng và tôn trọng giữa các nền văn hóa.