Trao đổi học thuật Bộ môn Lịch sử Thế giới - Kết nối tri thức, lan toả giá trị
Ngày 10-6-2024, Bộ môn Lịch sử Thế giới thuộc Khoa Lịch sử tổ chức buổi seminar học thuật theo kế hoạch năm học. Diễn giả chính: PGS.TS. Đặng Văn Chương với chủ đề “Đặc điểm Phật giáo Thái Lan” và TS. Lê Thị Quí Đức với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục – Nghiên cứu trường hợp dạy học chủ đề: Hồ Chí Minh trong Lịch sử Việt Nam, Lớp 12, Chương trình môn Lịch sử năm 2022”. Buổi trao đổi học thuật thu hút Giảng viên, Nghiên cứu sinh, Học viên Cao học và sinh viên ngành Lịch sử, Lịch sử - Địa lý tham dự.
Với chủ đề “Đặc điểm Phật giáo Thái Lan”, PGS.TS. Đặng Văn Chương làm nổi bật bối cảnh, quá trình du nhập tôn giáo này vào Thái Lan trong suốt quá trình hình thành và phát triển của đất nước vốn được mệnh danh xử sở “Chùa vàng”. Sự khác biệt của Phật giáo ở Thái Lan – hệ phái Theraveda, so với những quốc gia khác trong khu vực Đông Á. Sự chi phối của hệ phái này tới đời sống chính trị - xã hội, những dấu ấn giá trị đạo đức của nó in trong tâm thức của người dân sở tại, đồng thời tạo dựng phong cách ứng xử của quốc gia trong đường lối đối ngoại với thế giới bên ngoài. Trên nền tảng như, diễn giả đã khái quát và phân tích 5 đặc điểm chủ yếu của Phật giáo tại Thái Lan:
- Phật giáo Theraveda thống nhất các nhà nước dân tộc Thái trong quá trình mở rộng và hoàn thiện lãnh thổ Vương quốc Thái Lan.
- Phật giáo Theraveda, tư tưởng chính thống của Vương quốc Thái Lan từ khi lập quốc vào thế kỷ XIII cho đến nay.
- Tiếp nhận, hoàn thiện, lan toả - chu trình phát triển Phật giáo Thái Lan
- Hệ phái Dhamamayuttika – sáng tạo của Phật giáo Thái Lan
- Phật giáo như quyền lực mềm góp phần nâng cao vị thế Thái Lan ở khu vực và quốc tế trong thời đại ngày nay.
Với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục – Nghiên cứu trường hợp dạy học chủ đề: Hồ Chí Minh trong Lịch sử Việt Nam, Lớp 12, Chương trình môn Lịch sử năm 2022”, TS. Lê Thị Quí Đức nhấn mạnh xu thế tất yếu, tầm quan trọng chuyển đối số trong các mặt thiết yếu của đời sống xã hội. Giáo dục nói chung, việc dạy học môn Lịch sử nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018, bổ sung điều chỉnh năm 2022, diễn giả làm rõ những nội dung chuyển đối số trong chủ đề đặt ra. Đó là: Xây dựng và số hoá tư liệu thành văn về chủ đề; Thiết kế và số hoá đồ dùng trực quan liên quan đến chủ đề; Thiết kế các video liên quan đến chủ đề. Trong mỗi nội dung như vậy, diễn giả nêu bật quá trình hình thành ý tưởng, quy trình thiết kế, kĩ thuật dàn dựng v.v… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đang hướng tới.
Buổi Seminar thu nhận nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ của những thành viên tham dự. Thông qua hoạt động này, những ý tưởng khoa học, những kĩ thuật thiết kế giảng dạy theo hướng số hoá đã mang tới những cách thức tiếp cận đa chiều trong môi trường giáo dục đang có nhiều chuyển biến, thay đổi. Seminar học thuật thực sự là diễn đàn giao lưu cho nhà nghiên cứu, giảng viên và người học, đồng thời mở ra những định hướng cứu mới trong nghiên cứu và giảng dạy.
Nguồn: Khoa Lịch sử
admin post: 2024-06-16 3:02:28 PM
Bài viết liên quan