NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Sinh viên khoa Lịch sử với hội thảo quốc gia các nhà nghiên cứu trẻ năm 2019

Trong ngày 15/11/2019, tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia các nhà nghiên cứu trẻ. Đây là diễn đàn khoa học do trường tổ chức mục đích nhằm cập nhật các xu thế mới trong nghiên cứu khoa học của thế giới từ các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Với số lượng 70 bài nghiên cứu gửi đến hội thảo thuộc các lĩnh vực, có 16 bài chuyên ngành khoa học tự nhiên, 38 bài chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, 19 bài chuyên ngành khoa học giáo dục.  Với quy trình phản biện kín, nghiêm ngặt và mang tính học thuật cao, ban tổ chức và ban biên tập kỷ yếu đã cân nhắc chọn được 55 bài xuất bản trong kỷ yếu, trong đó có 10 bài được trình bày tại phiên toàn thể của hội thảo, 8 báo cáo trình bày dưới hình thức poster.

Đặc biệt, trong hội thảo có sự tham gia viết bài của nhóm tác giả Dương Văn Hậu, Đặng Văn Chương với tiêu đề “Tiếp biến văn hóa trong hình tượng Cao Đài Tam Thánh”. Là một tôn giáo bản địa, song Cao Đài được xây dựng trên nền tảng dung hợp giữa nhiều yếu tố của các tôn giáo, văn hóa khác nhau. Quá trình này được được hiểu như là sự tiếp biến văn hóa mạnh mẽ trong đạo Cao Đài mà một trong những minh chứng cụ thể là hình tượng Tam Thánh. Bài viết tập trung nghiên cứu về sự tiếp biến văn hóa Đông - Tây trong đạo Cao Đài thông qua hình tượng Tam Thánh Cao Đài ký hòa ước. Hình tượng Tam Thánh thể hiện thông qua bức vẽ “Tam thánh ký hòa ước” được đặt trong các đền thánh, thánh thất của đạo Cao Đài. Bức vẽ miêu tả ba vị thánh gồm: Nguyễn Bỉnh Kiêm, Victor Hugo và Tôn Trung Sơn đang kí một bảng hòa ước mà tín hữu đạo này cho rằng đó là bảng hòa ước của Trời và Người nhằm hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Việc lựa chọn nhân vật cũng như xây dựng kết cấu nội dung thông qua miêu tả giữa yếu tố hiện thực và huyền bí đã tạo nên một giá trị riêng chỉ có ở Tam Thánh Cao Đài. Hình tượng Tam thánh Cao Đài ra đời ở Nam Bộ Việt Nam những thập niên đầu của thế kỉ XX đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân Nam Bộ trong bối cảnh mất nước. Đồng thời là một sáng tạo nghệ thuật, thể hiện sinh động quá trình tiếp biến văn hóa ngoại sinh thành nội sinh của đạo Cao Đài nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Giá trị của Hình tượng Tam thánh vừa là một bức tranh nghệ thuật vừa là một bức tranh tôn giáo - lịch sử, có ý nghĩa thiêng liêng đối với tín đồ tôn giáo này. Hình tượng Tam thánh Cao Đài không những phát huy những giá trị văn hóa, tôn giáo của nhân loại và dân tộc từ khi ra đời mà còn để lại những kinh nghiệm quý báu trong việc sáng tạo văn hóa với 3 đặc tính là: tính mở, tính dân tộc và tính hiện thực trong thời đại hội nhập văn hóa sâu rộng hiện nay.

Bài báo “Tiếp biến văn hóa trong hình tượng Cao Đài Tam Thánh” là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của sinh viên Dương Văn Hậu, lớp Sử 4, dưới sự cố vấn khoa học của thầy giáo, PGS.TS. Đặng Văn Chương. Đây là một cố gắng lớn của sinh viên Dương Văn Hậu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên Khoa Lịch sử.

 

Nguồn: Khoa Lịch sử
admin post: 2020-05-18 4:11:51 PM

Bài viết liên quan


Right menu loadding...