Nhìn lại Hội thảo khoa học quốc tế Giáo dục Pháp – Việt tổ chức tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế năm 2020
Năm 2020 ghi nhận nhiều sự kiện chưa từng có trong lịch sử của nhân loại, khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bao trùm, tác động tiêu cực đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở phạm vi hẹp hơn, bên cạnh dịch họa, Thừa Thiên Huế lại còn phải gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên tai khi bão chồng bão, lũ chống lũ với bao mất mát về người và của. Tất cả đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình dạy và học cũng như các hoạt động khác của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Vượt qua khó khăn chung đó, một điểm sáng của Nhà trường, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các công đoàn viên CĐBP Khoa Lịch sử, là đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục Pháp – Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX”.
Từ kết nối ban đầu với PGS.TS. Nguyễn Phương Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Á châu của Đại học Aix-Marseille, ý tưởng nghiên cứu chung về di sản Pháp tại Việt Nam được hình thành, trong đó giáo dục là lĩnh vực mà dấu ấn của Pháp còn hết sức sâu đậm nhưng chưa được nghiên cứu nhiều. Khi bắt đầu triển khai, nhiều khó khăn nảy sinh. Vấn đề đầu tiên là kinh phí để tổ chức bởi theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Nhà trường, mức chi cho một hội thảo giới hạn không quá 50 triệu đồng. Do đó, để có đủ kinh phí, các thành viên trong Ban Tổ chức phải tích cực vận động tài trợ từ các đơn vị đồng tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân… Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động chuẩn bị đình trệ, nguy cơ lùi thời điểm tổ chức vô thời hạn hiển hiện. Việc đi lại giữa các nước không thực hiện được khiến các nhà khoa học Pháp không thể đến tham dự, kéo theo đó lànguồn kinh phí từ Đại sứ quán Pháp tài trợ cho hội thảo không được giải ngân. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề khiến việc vận động tài trợ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đối với khoa học xã hội nói chung, khoa học lịch sử nói riêng, việc nộp lệ phí để công bố kết quả nghiên cứu vẫn còn là điều mới mẻ. Do đó, việc thu hút các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu có tên tuổi tham gia cũng là bài toán đặt ra cho Ban Tổ chức. Mặt khác, đối với Khoa Lịch sử, đơn vị nòng cốt, dù đã thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hội thảo khoa học các cấp nhưng đây là lần đầu tiên tham gia phối hợp tổ chức hội thảo khoa học mang tầm quốc tế nên còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, thậm chí một số công đoàn viên còn ngại khó, bàn lùi.
Những khó khăn đan xen ấy tưởng như sẽ làm chùn bước những người vốn luôn nung nấu hiện thực hóa một hội thảo khoa học mang tầm quốc tế đầu tiên về khoa học lịch sử ở Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Khi mà rất nhiều hội thảo đã bị hoãn hoặc hủy do tác động của dịch bệnh cũng như thiên tai trong suốt năm 2020 thì yếu tố tháo gỡ nút thắt khó khăn, tạo động lực cho việc tiếp tục hành trình tổ chức hội thảo chính là sự quyết tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của Ban Giám hiệu nhà trường, sự tư vấn, kết nối hiệu quả của Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế. Từ đó, trang web hội thảo đã được hình thành, Thông báo số 1 rồi đến Thông báo số 2 lần lượt ra đời.
Một khó khăn then chốt, ảnh hưởng đến việc tổ chức, quy mô của Hội thảo chính là số lượng và chất lượng bài viết tham gia. Trong hoàn cảnh “thiên không thời, địa không lợi”, dường như nhiều người khó có thể toàn tâm cho việc hình thành và hoàn thiện các ý tưởng nghiên cứu, nhất là đối với một hội thảo mang tính chuyên đề. Nhận thức được khó khăn ấy, toàn thể cán bộ giảng viên Khoa Lịch sử, từ Ban Chủ nhiệm khoa đến từng thành viên, đều tích cực tham gia viết bài cũng như thông qua các mối quan hệ đã quảng bá, giới thiệu, định hướng, vận động nhiều học giả, nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, không chỉ về Lịch sử mà còn trong các ngành Ngữ văn, Tâm lý và Giáo dục, Giáo dục Chính trị, Văn hóa… tham gia. Con số gần 70 báo cáo toàn văn và tóm tắt từ những trung tâm học thuật nổi tiếng thế giới và trong nước, với nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi như GS.TS. Philippe Le Failler (Trường Viễn Đông Bác cổ), GS Emmanuel Poisson (Đại học Paris VII), GS. Trịnh Văn Thảo (Đại học Aix-Marseille), PGS.TS. Nguyễn Phương Ngọc (Đại học Aix-Marseille), GS.TS. Nguyễn Văn Khánh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), TS. Trần Thị Phương Hoa (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), NNC. Đỗ Trinh Huệ (Thành phố Huế), … gửi đến Hội thảo phần nào đã minh chứng cho những nỗ lực ấy.
Khi công việc đã vào “guồng” thì khó khăn mới lại nảy sinh là trong tháng 10 và 11-2020, bão lũ liên tục đổ ập tới mảnh đất Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoàn thành những khâu chuẩn bị cuối cùng của Hội thảo. Thời hạn chốt nhận bài phải lùi lại nhiều lần bởi khá nhiều người đã đăng kí gửi bài nhưng chưa kịp hoàn thành. Do đó, cho đến cận kề ngày tổ chức, công việc biên tập, phản biện, dịch thuật phải ráo riết chạy đua với thời gian cho kịp tiến độ.
Song song với nội dung thì kinh phí tổ chức Hội thảo cũng là một vấn đề cần có giải pháp khả thi. Lại một lần nữa, sự quyết tâm tiếp tục được thể hiện và mang lại kết quả khá mĩ mãn với sự hỗ trợ của Lãnh đạo nhà trường, Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, sự đóng góp của các đơn vị đồng tổ chức, sự nỗ lực của cá nhân Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử. Từ 2 đơn vị đồng tổ chức ban đầu (Trường Đại học Sư phạm, Đại họcHuế và Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Aix-Marseille), quy mô Hội thảo được nâng tầm, với sự tham gia của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Tất cả đã kéo theo sự vào cuộc của một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, để góp phần cho Hội thảo được tiến hành đúng kế hoạch.
Và rồi những sự chuẩn bị, lo lắng, trăn trở của Ban Tổ chức hội thảo trong bối cảnh đầy biến động của năm 2020, nhất là khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh đã khép lại theo một cách có hậu. Trong thời tiết giá lạnh của mùa đông xứ Huế, không khí tại các phòng hội thảo của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế lại nóng lên bởi những cuộc những tham luận, những tranh luận khoa học có chất lượng trực tiếp tại hội trường của nhiều nhà khoa học đến từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đồng Nai, Cần Thơ,… cũng như trực tuyến với những học giả tại Pháp.
Có thể nói, chặng đường đã trải qua của Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục Pháp - Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX” đã chứng kiến thật nhiều điều đặc biệt. Từ chỗ gần như là con số 0 khi bắt đầu, nhưng với nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Khoa Lịch sử, sự đồng hành của một số giảng viên khoa bạn, sự quyết tâm, quyết đoán của Lãnh đạo nhà trường, sự hỗ trợ từ Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, các đơn vị đồng tổ chức và các nhà tài trợ, sự tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, một hội thảo khoa học quốc tế về khoa học lịch sử lần đầu tiên được tổ chức thành công tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, góp phần hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong năm 2020. Thành công của Hội thảo còn là những trao đổi về kiến thức chuyên môn, những cơ hội gặp gỡ của các nhà khoa học, kinh nghiệm tổ chức hội thảo quốc tế, vận động tài trợ, … Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh, một hội thảo quốc tế lần đầu tổ chức tại trường theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vừa phản ánh xu thế mới của thời đại 4.0, mở ra khả năng có thể tổ chức những hội thảo quy mô lớn hơn, với kinh phí tiết kiệm hơn nhưng đầy hiệu quả.
Thành phố Huế, tháng 12/2020
Hoàng Chí Hiếu - Lê Thị Quí Đức
CĐBP Khoa Lịch sử
Nguồn: Khoa Lịch sử
admin post: 2021-02-06 11:38:02 AM
Bài viết liên quan