NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Khoa Lịch sử tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

Nhật Bản được biết đến như một quốc gia chứa đựng nhiều “kỳ tích” của phương Đông. Đó không chỉ là một đất nước “khác thường” mà còn là quốc gia “phi thường”, để lại cho nhân loại biết bao sự ngưỡng mộ và khát khao được khám phá. Việt Nam cũng tự hào vì đã lưu lại trong hành trình phát triển của lịch sử nhân loại những dấu ấn độc đáo riêng của một quốc gia Đông Nam Á ngàn năm văn hiến, đang từng bước hiện đại hoá, có tầm ảnh hưởng và vị thế địa - chiến lược không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong lịch sử bang giao của hai nước, Việt Nam và Nhật Bản đã gặp nhau từ rất sớm. Theo tài liệu khảo cổ và sử học, mối liên hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đã hiện diện ngay từ sơ kỳ thời đại đồ đá mới, khi vết tích của Văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn (Việt Nam) được tìm thấy ở miền Trung của Nhật Bản. Nhân dân hai nước cũng từng chia sẻ những chiến thắng oai hùng trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên vào nửa cuối thế kỷ XIII. Đặc biệt, từ đầu thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, trên hành trình hải thương về phương Nam, những thương nhân Nhật Bản đã đến Việt Nam, góp phần quan trọng tạo nên thương cảng Hội An (Đàng Trong) và Phố Hiến (Đàng Ngoài) - những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất và là “quê hương của cộng đồng thương nhân” Nhật Bản tại Đông Nam Á khi ấy. Sự phát triển phồn thịnh của thương mại Việt Nam - Nhật Bản cùng hoạt động giao lưu văn hoá đa dạng suốt thời kỳ này đã để lại những dấu ấn đậm nét - những di sản vật chất và tinh thần vô giá - trong lịch sử bang giao hai nước, đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ chính thức giữa chính quyền đương thời của hai nước cũng như là bệ phóng cho hợp tác Việt Nam - Nhật Bản những thế kỷ tiếp sau. 

Trong các thế kỷ XIX - XX, cùng với chuyển động mạnh mẽ của lịch sử nhân loại, Nhật Bản và Việt Nam đã lựa chọn hành trình phát triển của riêng mình. Trong hành trình ấy, dưới tác động của quan hệ quốc tế Đông - Tây và sự vận động nội tại của lịch sử mỗi nước, Việt Nam và Nhật Bản đã không ít lần “va chạm”, song những di sản đậm nét từ Phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX, sự gặp gỡ lý tưởng cộng sản giữa hai nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (Việt Nam) và Sen Katayama (Nhật Bản) thập niên 30 của thế kỷ XX, một lần nữa, lưu lại những hình ảnh đẹp trong lịch sử mối bang giao giữa hai nước - hai dân tộc. 

Vượt qua những trang sử “đen tối” giữa thế kỷ XX, ngày 21/9/1973 tại thủ đô Paris (Pháp), đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Nhật Bản ký kết Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Sự kiện này đã chính thức mở ra một trang mới trong tiến trình quan hệ song phương. Từ đó đến nay, trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng (1973-2023), quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã và đang ngày càng phát triển nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu lớn trên nhiều phương diện, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2014). Hiện nay, Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam, có đóng góp quan trọng vào an ninh và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Nhật Bản là nước đầu tiên thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (2009) và công nhận quy chế kinh tế thị trường của nước ta (2011). Đáp lại, Việt Nam chiếm vị trí ngày càng quan trọng về chính trị - ngoại giao,  kinh tế và an ninh trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam là nơi chuyển giao công nghệ, là điểm đến cho hoạt động đầu tư nước ngoài của Nhật Bản. Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, với vai trò địa chiến lược và vị thế ngày càng được nâng cao, Việt Nam là nhân tố chính trị quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, góp phần nâng cao uy tín và địa vị chính trị của Nhật Bản. Việt Nam cũng chia sẻ những lợi ích và quan ngại chung về an ninh hàng hải tại Đông Nam Á và Đông Á và là cầu nối cho hợp tác Nhật Bản - ASEAN. 

Trên bình diện đa phương, Nhật Bản và Việt Nam cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung cấp độ khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Nhật Bản đã đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến hợp tác tại Đông Nam Á (Sáng kiến Liên kết ASEAN - IAI, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Chương trình Đối tác khu vực Nhật Bản - Mekong…), mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nước Đông Nam Á, các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong (MS), trong đó có Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản cũng hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương quốc tế then chốt, nhất là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Có thể thấy, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang tiến tới thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đột phá và được đánh giá sẽ là mối quan hệ song phương “có tiềm năng vô hạn” trong tương lai. Tuy vậy, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với nhiều chuyển biến vô cùng nhanh chóng, phức tạp, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng đứng trước vận hội và thử thách mới. Để nhìn lại những kết quả hợp tác đạt được, hiểu biết hiện trạng mối quan hệ, và có kế hoạch vận dụng phù hợp vào công tác học tập, nghiên cứu, giảng dạy; cũng như nhận diện được những vấn đề cấp bách đặt ra đối với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhằm kiến nghị các giải pháp khoa học cho công tác tư vấn chính sách, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cùng phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đồng tổ chức hội thảo quốc gia về chủ đề: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”.

Đây là dịp để các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên trong các cơ sở đại học, cơ quan nghiên cứu trong cả nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học thuật nhằm không ngừng trau dồi chuyên môn, thắt chặt tinh thần hợp tác, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đưa quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, toàn diện và bền vững trong bối cảnh quốc tế mới.

Trong hội thảo lần này, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được sự tham gia đóng góp  quý báu của Quý tác giả đến từ nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu, học thuật trong cả nước và nước ngoài với 53 bài báo khoa học (trên tổng số 62 đăng ký tóm tắt tham luận).  Trong đó, 51 bài báo đáp ứng tốt nhất các tiêu chí của hội thảo đã được chọn đăng toàn văn trong kỷ yếu. Nội dung các bài báo khoa học tập trung vào bốn chủ đề chính sau đây: 

Chủ đề 1. Quá trình hình thành và phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản 

Như đã biết, lịch sử hình thành và phát triển của quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản khởi đầu từ sớm, trải qua không ít thăng trầm nhưng chứa đựng nhiều đặc trưng độc đáo với  nhiều di sản lịch sử có giá trị trường tồn. Cho đến nay, nhiều vấn đề liên quan đến bang giao Việt Nam - Nhật Bản qua các thời kỳ lịch sử vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều học giả tiếp tục nghiên cứu và công hiến. Có chung ý tưởng khai thác về chủ đề này là các tác giả:  Nguyễn Thị Vĩnh Linh với tham luận “Sự kết nối quan hệ giữa Mạc phủ Tokugawa và chính quyền Đàng Trong - Một nghiên cứu từ thương mại tơ lụa của người Nhật Bản ở Hội An (thế kỷ XVI - thế kỷ XVII); nhóm tác giả Trương Công Huỳnh Kỳ và Hoàng Chí Hiếu với tham luận “ Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đầu thế kỷ XX”; tác giả Đỗ Cao Phúc với tham luận “Sự kế thừa và phát triển nhận thức về nước Nhật của các sĩ phu yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX: giá trị và bài học”; nhóm tác giả Nguyễn Văn Kham và Bùi Hoàng Tân với bài viết “Bang giao Việt Nam Cộng hòa với Nhật Bản giai đoạn 1967-1975 qua nghiên cứu tài liệu lưu trữ quốc gia”; tác giả Nguyễn Thị Thuỳ Nhung với tham luận “Ảnh hưởng của Nhật Bản đối với phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX”.  

Băng qua lịch sử trung - cận đại, các tác giả dành sự quan tâm nhiều hơn về quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973) đến nay, đặc biệt là trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI - giai đoạn chứng kiến nhiều bước phát triển “thần kỳ” trong quan hệ song phương - từ “đối tác tin cậy” (2002),  “đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (2009) đến “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2014). Sự phát triển ấy sẽ đón nhận những tác động thuận, nghịch nào, liệu những tác nhân ấy có “định dạng” hay làm phương hại đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản?.  Để góp phần làm rõ vấn đề này, các học giả đã có nhiều bài viết công phu, đi sâu phân tích các nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản “trong thời đại mới” . Trong đó, nhóm tác giả Nguyễn Văn Tuấn và Lê Văn Trường An có tham luận “Những nhân tố thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023)”; nhóm tác giả Hoàng Văn Hiển, Trần Thị Hợi và Nguyễn Văn Tuấn cùng chung cách tiếp cận với tham luận “Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau Chiến tranh lạnh (1991 - nay)”; nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Bình, Trần Thị Hải Lê và Lê Thị Hoài Thanh với tham luận “Sự điều chỉnh chiến lược hướng về Châu Á-Thái Bình Dương của Nhật Bản và những tác động đối với quan hệ chính trị Nhật Bản - Việt Nam”. Ở một phương diện khác, bằng tham luận “Di sản đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe và quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”,  tác giả Huỳnh Thanh Loan đã phân tích và đánh giá những di sản to lớn mà Thủ tướng Shinzo Abe - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam -  đã để lại cho mối quan hệ đối tác sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị - an ninh. Đây chính là nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong tương lai.   

Có thể nói, tuy chưa thể đầy đủ, song thông qua mười (10) tham luận trong chủ đề này, tiến trình bang giao Việt Nam - Nhật Bản đã được phác hoạ sinh động, đồng thời phản chiếu những chuyển biến to lớn của thời đại qua mỗi chặng đường lịch sử. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản cùng những nhân tố tác động đến mối quan hệ này trong bối cảnh mới từ đầu thế kỷ XXI đến nay cũng được giới thiệu và phân tích. 

Chủ đề 2. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1973-2023

Đây là chủ đề nhận được nhiều tham luận nhất (với 29 tham luận) trong số 4 chủ đề của hội thảo, thể hiện sự quan tâm lớn, thiết thực của đông đảo nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên về hiện trạng mối quan hệ cũng như hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản xuyên suốt năm thập niên qua. Các tham luận trong chủ đề này đã phản ánh được sự phát triển sâu, rộng của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, đào tạo lao động, hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Trong đó, bằng ngòi bút sắc sảo, dữ liệu phong phú, chuyên sâu và cập nhật, tác giả Phạm Hồng Thái đã cho thấy thành tựu quan trọng có tính quyết định của  quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản qua tham luận “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị và an ninh: từ tái lập hợp tác đến đối tác chiến lược sâu rộng”; nhóm tác giả Nguyễn Văn Sang và Dương Bùi Vinh tiếp nối mạch nội dung này với tham luận “Đóng góp của Thủ tướng Shinzo Abe đối với hợp tác an ninh quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản (2012 – 2020)”. Bằng tham luận này, vai trò của Thủ tướng Shinzo Abe, một lần nữa thể hiện đậm nét trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, một nội dung hợp tác mới, quan trọng và thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong các thập niên đầu thế kỷ XXI. Vấn đề này cùng được chia sẻ và phân tích sâu với các tham luận “Chính sách hợp tác quốc phòng - an ninh song phương của Nhật Bản đối với Việt Nam dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe (2012 - 2020)” của tác giả Trương Thị Xuân; tham luận “Ngoại giao quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2011 đến nay” của hai tác giả Lê Vũ Trường Giang và Lê Quang Minh; tham luận “Vấn đề an ninh phi truyền thống trong quan hệ Việt Nam - Nhật bản nửa đầu thế kỷ XXI” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Mẫn và Cao Nguyễn Khánh Huyền; tham luận  và tham luận “Thành tựu hợp tác an ninh quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản (2001-2022)” của nhóm tác giả Đặng Phú Phong và Nguyễn Hữu Phúc.

Đối với nội dung hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế giai đoạn 1973-2023, có 5 tham luận sau: “50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản” của tác giả Đỗ Thị Ánh; “Quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản từ 1992 đến nay: thành tựu và triển vọng” của nhóm tác giả Nguyễn Cảnh Huệ và Hoàng Thị Mai Hương; “Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm 2017-2022” của tác giả Nguyễn Mậu Hùng; “Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam (2002 - 2022)” của tác giả Trần Thị Hợi và “Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản trong 20 năm đầu thế kỷ XXI (2001 - 2021)” của tác giả Lê Thành Trung. Nội dung các tham luận này đều cho thấy, kinh tế là lĩnh vực hợp tác truyền thống và đạt nhiều thành tựu lớn nhất của quan hệ song phương Việt - Nhật. Nhiều nội dung hợp tác được mở ra, đặc biệt, trong bối cảnh “chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao từ Nhật Bản đã và đang mở rộng sang Việt Nam”.  

Hợp tác Việt  Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục và đào tạo được các tác giả tiếp cận ở góc nhìn thực tế, nêu bật các vấn đề hợp tác trọng tâm hiện nay, như: hợp tác giao lưu trí tuệ và nghiên cứu đất nước học, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… Trong đó, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh có tham luận “Một số thành tựu hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam - Nhật Bản trong khoảng 30 năm gần đây”. Tác giả Hoàng Minh Lợi trong tham luận “Nửa thế kỷ ngoại giao văn hóa Việt Nam - Nhật Bản: từ ký ức đến hiện tại và hướng tới tương lai”, tác giả Ngô Thị Minh Hằng trong tham luận “Hợp tác Việt Nam và Nhật Bản  trên lĩnh vực văn hoá từ 1973 đến nay”, tác giả Dương Thị Tuyết Trinh với tham luận “Văn hóa Nhật Bản và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời kỳ hội nhập hiện nay”, tác giả Nguyễn Duy Trường và Lê Nữ Như Quỳnhcó tham luận “Ngoại giao văn hóa - “sức mạnh mềm” thắt chặt quan hệ Việt - Nhật”. Các tác giả và tham luận trên đây, bằng nhiều góc nhìn khác nhau, đã nêu bật sự gặp gỡ giữa chính sách ngoại giao văn hoá của hai nước và điểm lại toàn bộ quá trình hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này. Tác giả Hoàng Minh Lợi đã nhấn mạnh bên cạnh giao lưu văn hóa đại chúng, “Giao lưu trí tuệ và nghiên cứu đất nước học cũng là nhân tố quan trọng trong các hoạt động giao lưu văn hóa tinh hoa, mà Việt Nam và Nhật Bản tiến hành nửa thế kỷ qua”. Nội dung hợp tác này đã tiến một bước dài với ý nghĩa không chỉ tăng cường thêm sự hiểu biết của Việt Nam về Nhật Bản và ngược lại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển các thế hệ học giả kế tiếp xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hiện nay”. Tuy vậy, các tác giả đều nhấn mạnh “nhiều cơ hội mới mở ra nhưng cũng còn những thách thức phải giải quyết”.

Ngoài ra, trong chủ đề này,  hợp tác Việt Nam - Nhật Bản tại Thừa Thiên Huế và các địa phương khác cũng được các tác giả quan tâm khảo cứu, đặc biệt là trên lĩnh vực hợp tác văn hoá, di sản. Có thể nêu ra nhóm tác giả Nguyễn Hữu Phúc, Trần Xuân Hiệp với tham luận “Hợp tác bảo tồn di sản văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI - nghiên cứu trường hợp tỉnh Thừa Thiên Huế”; tác Trần Nguyễn Khánh Phong với tham luận “Giao lưu văn hóa giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương ở Nhật Bản”; tác giả Phạm Phước Tịnh với tham luận “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhìn từ Hội An (từ tiếp cận tư liệu đến những dấu tích, di tích”).

Chủ đề 3. Những khó khăn, thách thức và triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới

Đây là chủ đề nhận được 12 tham luận với nhiều nội dung phong phú, dữ liệu cập nhật, đa chiều, luận giải khoa học và thuyết phục về những chuyển biến quan trọng, phức tạp của bối cảnh khu vực và thế giới trong thế kỷ XXI, đặc biệt là từ đầu thập niên thứ hai đến nay. Trên cơ sở đó, các tác giả đã nhận diện các vấn đề đặt ra choquan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời đề xuất các khuyến nghị chính sách để nâng tầm mối quan hệ, đáp ứng lợi ích cho hai nước và góp phần vào an ninh, hoà bình và thịnh vượng chung của khu vực Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Các tham luận xuất sắc trong chủ đề này có: “Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong bối cảnh mới: những vấn đề đặt ra và giải pháp” của tác giả Nguyễn Duy Dũng; tham luận “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Biển Đông” của nhóm tác tác giả Lê Thành Nam và Nguyễn Tuấn Bình; tham luận “Hợp tác an ninh đa phương của Nhật Bản tại Đông Nam Á và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” của nhóm tác giả Bùi Thị Thảo, Lê Thị Quí Đức;tham luận “Các nhân tố ảnh hưởng và triển vọng hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI” của tác giả Hoàng Hải; tham luận “Sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông – nguyên nhân và thực tiễn triển khai” của tác giả Phạm Thị Yên; “Hợp tác an ninh Việt - Nhật trước những thách thức từ Trung Quốc trên Biển Đông: tiếp cận từ hệ thống cấp độ phân tích” của nhóm tác giả Lê Hoàng Kiệt, Trần Văn Bình, Trần Trương Gia Bảo; tham luận “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1992-2022: thách thức và triển vọng hợp tác” của tác giả Nguyễn Viết Xuân. 

Các khó khăn, thách thức đối với hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế  cũng được phân tích sâu sắc trong các tham luận: “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh trật tự thế giới mới (2001 - 2022)” của nhóm tác giả Dương Quang Hiệp và Trần Thái Bảo; “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản: thành tựu và những vấn đề đặt ra” của nhóm tác giả Trần Xuân Hiệp, Lê Thị Thanh Tâm; 

Theo đó, tác giả Nguyễn Duy Dũng và các tác giả nói trên đã khái quát khá toàn diện bức tranh chung vô cùng phức tạp, khó đoán định về tình hình chính trị, an ninh ,kinh tế toàn cầu và khu vực, từ đó chỉ ra 4 vấn đề đang và sẽ đặt ra đối với quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.  “Đó là:1.Kết nối kinh tế Việt Nam-Nhật Bản vẫn còn nhiều trở ngại, 2. Vấn đề chuyển giao công nghệ và quản lý từ Nhật Bản 3. Hợp tác phát triển nguồn nhân lực và 4. Các vấn đề chính trị an ninh và phối hợp trên trường quốc tế. Đây là những cơ hội song cũng là thách thức đòi hỏi sự nổ lực của cả Việt Nam và Nhật Bản”.

Trên cơ sở nhận diện những cơ hội, thách thức đặt ra cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng như mỗi nước trong thời đại mới, các tác giả đã đề xuất những hàm ý chính sách cho Việt Nam. Đây cũng là nội dung tham luận: “Những điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản đối với Đông Nam Á trong thời gian gần đây và hàm ý chính sách cho Việt Nam" của tác giả Trần Thị Tâm; “Cơ hội phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản” của tác giả Chúc Bá Tuyên; “Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản vào  Thừa Thiên Huế” của tác giả Nguyễn Văn Thắng cùng các tác giả trong chủ đề này.

Chủ đề 4. Nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử, văn hoá Nhật Bản, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông và những nội dung khác có liên quan đến chủ đề của hội thảo

Ở chủ đề này, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 10 tham luận có giá trị học thuật, gợi ra một số vấn đề đáng quan tâm hiện nay trong việc nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử, văn hoá và các thành tựu hợp tác của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong 50 năm qua.  Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ hai nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, việc hiểu biết và lan toả những giá trị văn hoá đặc sắc, đánh giá những đóng góp từ kết quả hợp tác hai nước Việt Nam - Nhật Bản đối với sự nghiệp phát triển của mỗi nước, cũng như những nội dung hợp tác mới của mối quan hệ song phương quan trọng này là vô cùng cần thiết.

Chủ đề này, tác giả Trương Thị Thu Thảo có tham luận “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại trong phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện nay”; tác giả Tô Thị Linh với tham luận “Giáo dục về quan hệ chính trị và hợp tác quốc phòng an ninh Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá cho sinh viên Đại Học Huế”. Trong nhóm vấn đề về tiếp xúc, hợp tác và giao lưu văn hoá Việt Nam – Nhật Bản, tác giả Đặng Văn Chương có tham luận “Quá trình tiếp biến văn hóa Nhật-Việt từ “Nihonmachi” ở Hội An đến “Karate-Do” ở Huế”; tác giả Mai Văn Được với tham luận “Quá trình du nhập và phát triển của Karate-Do Nhật Bản ở Huế từ năm 1963 đến nay”; tác giả Lê Đức Hạnh có tham luận “Nét tương đồng giữa Phật giáo Nhật Bản và Phật giáoViệt Nam”; tác giả Ngô Thị Cẩm Liên và Nguyễn Minh Giang với tham luận “Sức mạnh mềm văn hóa Nhật Bản thông qua các bộ phim truyền hình tại Việt Nam”; nhóm tác giả Yuya Okazaki và Lê Thị Anh Đào có tham luận “Thảm họa động đất thời Edo và hiện tượng Namazu-E”; tác giả Ngô Thị Minh Hằng “Hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trên lĩnh vực văn hoá từ năm 1973 đến nay”; nhóm tác giả  Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Trần Hòa, Nguyễn Văn Phượng và Hồ Văn Toàn có tham luận “Geisha trong văn hóa Nhật Bản”; tác giả Hoàng Thị Anh Đào có tham luận “Văn hoá Onsen của Nhật Bản và sự du nhập vào Việt Nam giai đoạn hiện nay (nghiên cứu tại một số địa điểm du lịch ở Việt Nam)”. 

Các tác giả đã gặp nhau trong ý tưởng tôn vinh về những giá trị tiếp biến văn hoá đặc sắc Việt Nam - Nhật Bản, một trong những phương thức thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản ngày càng tin cậy, bền chặt. Hội thảo cũng nhận được tham luận “Những thành công của Nhật Bản trong phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh nghiệm đối với Việt Nam” của tác giả Vũ Trọng Hùng về phương diện nghiên cứu kinh nghiệm hợp tác.

Có thể nói, những thành tựu đạt được trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản suốt 50 năm qua là phong phú, toàn diện nổi bật, phản ánh những ý chí, nỗ lực không ngừng của hai nước, hai dân tộc, đã vượt qua nhiều thách thức để vươn tới khát vọng hoà bình, phồn vinh của hai nước, góp vào ổn định và phát triển chung của khu vực, như có tác giả đã nhận định “Chiều sâu của quan hệ hợp tác Việt  Nam - Nhật Bản không chỉ thể hiện trong phạm vi quan hệ song phương mà còn ở các diễn đàn đa phương”.

Mặc dù vậy, bước vào thế kỷ XXI, giữa Việt Nam và Nhật Bản đang tồn tại một số khác biệt, có thể tạo nên những điểm dừng trong quan hệ song phương: sự chi phối từ bản sắc chính trị; sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đưa đến khác biệt về lập trường quan điểm của Nhật Bản và Việt Nam đối với một số vấn đề, nhất là quan điểm chính trị và an ninh khu vực, toàn cầu…. Giải pháp nào để đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu và vươn tới tầm cao mới. Những vấn đề này đang được đặt ra để hội thảo cùng tiếp tục chia sẻ, giải quyết. 

Các tham luận nói trên không chỉ phản ánh những dữ liệu phong phú, chính xác mà hàm chứa tình cảm, trách nhiệm, niềm hy vọng, nỗ lực và thiện chí của đông đảo nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Nhật Bản trong việc nhận diện khó khăn, thách thức để đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy mọi tiềm năng, mọi nguồn lực của mỗi nước hướng đến mục tiêu nâng tầm mối quan hệ, đảm bảo lợi ích căn bản, toàn diện và bền vững của hai nước - hai dân tộc trong bối cảnh thế giới bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Tất cả tâm huyết của quý vị học giả, các nhà nghiên cứu, các cán bộ, giảng viên và thành viên ban tổ chức trong hội thảo này là những gam màu vui tươi, góp vào bức tranh ngày càng rực rỡ của quan hệ song phương Việt Nam -  Nhật Bản.

Nguồn: Khoa Lịch sử
admin post: 2023-07-17 9:30:55 AM

Bài viết liên quan


Right menu loadding...