[GIỚI THIỆU SÁCH] CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
Thời gian gần đây, những diễn biến khó lường trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á, các tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông trước những động thái mạnh mẽ từ Trung Quốc, xuất phát từ việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, càng làm nóng thêm bầu không khí vốn đã quá căng thẳng ở khu vực này. Trong đó, những tranh chấp trên Biển Đông, về đường lưỡi bò và nhất là chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Sparatleys), đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu ở những quốc gia liên quan, nhiều học giả quốc tế đến các chính trị gia và các tập đoàn kinh tế lớn. Sự chú ý của quốc tế bởi tầm quan trọng của khu vực này, không chỉ bởi nó khống chế một trong những con đường hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới khiến “không có cường quốc biển tầm cỡ toàn cầu nào có thể thờ ơ với biển Nam Trung Hoa” [1], mà còn chính bởi tiềm năng dầu khí chưa dự báo hết của nó. Tiếp cận ở những góc độ khác nhau, như cơ sở lịch sử, pháp lý, đặc biệt là áp dụng công pháp quốc tế cùng những gì đang xảy ra trên thực tế, nhiều học giả đã đi sâu tìm hiểu nguồn gốc, bối cảnh dẫn đến sự tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo này, từ đó xác định chủ quyền thực sự của từng quốc gia liên quan.
Một học giả nổi tiếng, bà Monique Chemilier - Gendreau, đã viết cuốn Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản L’Harmatta Paris (Pháp) công bố vào tháng 3-1996 và được Ban Biên giới chính phủ cùng Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 1998, tái bản năm 2011 (người dịch: Nguyễn Hồng Thao, hiệu đính: Lưu Văn Lợi, Lê Minh Nghĩa). Dưới góc độ luật gia quốc tế (giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII - Denis Didero, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội luật gia châu Âu), tác giả đã phân tích lập luận của các bên liên quan đến cuộc tranh chấp hai quần đảo và đưa ra những giải pháp cho vấn đề tranh chấp phức tạp này dựa vào cơ chế giải quyết tranh chấp, đặc biệt là Hiến chương và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Sách có 342 trang khổ 16 x 24cm, trong đó nội dung sách chiếm hơn một nửa (185 trang) gồm lời nói đầu và 4 chương.
Ngay lời nói đầu, tác giả đã khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:“Ứng cử viên nghiêm chỉnh nhất giành danh nghĩa trên các đảo này về cả căn cứ lịch sử cổ xưa của họ lẫn cơ chế pháp lý về thừa kế các quyền đã được thực dân khẳng định, đúng là Việt Nam” (tr. 12).
Chương I. Các dữ kiện chung liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dưới góc độ pháp lý kết hợp xem xét diễn tiến các sự việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, nhất là những sự kiện diễn ra trong thế kỉ XX, tác giả cho rằng Việt Nam đã có chủ quyền lãnh thổ về mặt nhà nước trên quần đảo này do có danh nghĩa lâu đời và luôn luôn được duy trì. Do đó, việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1956 và 1974, đối chiếu theo Luật quốc tế hiện đại (Khoản 4, Điều 2 của Hiến chương liên hợp quốc) về việc cấm dùng vũ lực để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thì “một sự chiếm đóng quân sự khi bị tố cáo như vậy sẽ không bao giờ và bằng bất kì cách nào có thể chuyển thành một danh nghĩa có giá trị và được công nhận” (tr. 40). Đối với Trường Sa, những yêu sách và sự chiếm đóng của Đài Loan, Phi-lip-pin, Trung Quốc và Maliaxia đã chống lại khẳng định chủ quyền của Việt Nam (được thực hiện liên tiếp sau sự khẳng định chủ quyền của Pháp). Vấn đề đặt ra, đó có phải là một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia đều có tham vọng giành danh nghĩa chủ quyền. Trong trường hợp này, việc sử dụng luận cứ về sự kế cận địa lý và các cơ chế luật theo thời điểm đều rất khó khăn bởi những thay đổi chính trị tại những nước có liên quan. Do đó, căn cứ quan trọng nhất được xem xét đến chính là thực tế chiếm hữu và khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa trong lịch sử. Sớm nhất được biết đến chính là hoạt động của Hải đội Hoàng Sa ở Trường Sa của các chúa Nguyễn từ đầu thế kỉ XVIII và đến năm 1816, vua Gia Long đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo. Tiếp theo là quá trình chiếm đóng Việt Nam của Pháp đi kèm với sự khẳng định chủ quyền trên quần đảo này bằng những hoạt động cụ thể như thăm dò địa lý, cắm mốc, kéo cờ, hợp pháp hóa chủ quyền bằng Nghị định, xây dựng hải đăng, phái đơn vị cảnh vệ giữ đảo, … Việc các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Phi-lip-pin, Malaixia lần lượt có mặt trên quần đảo này trong thế kỉ XX đều bằng vũ lực.
Chương II. Việc thụ đắc danh nghĩa ban đầu. Trong khi vấn đề Hoàng Sa chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc thì Trường Sa lại dính dáng tới nhiều nước. Sau khi đưa ra những cơ sở pháp lý quốc tế về việc thụ đắc lãnh thổ cho đến cuối thế kỉ XIX, tác giả giới thiệu hàng loạt các tài liệu, gồm ghi chép của cá nhân và cơ quan Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến 2 quần đảo này trước thế kỉ XIX. Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, những tài liệu do Trung Quốc đưa ra đều dừng lại ở mức độ “hiểu biết” về các hòn đảo mà nhà ngoại giao nước này từng đi qua, thậm chí là những hiểu biết đó còn rất mơ hồ và có lúc chỉ phản ánh những đảo ven bờ Hải Nam mà thôi. Trong khi đó, những tài liệu Việt Nam đưa ra, sớm nhất là bản đồ thời Hồng Đức (cuối thế kỉ XV) đã đề cập đến quần đảo Hoàng Sa, từ đầu thế kỉ XVII các chúa Nguyễn và sau đó là vua Nguyễn đã liên tục thực thi hoạt động của Hải đội Hoàng Sa trên cả 2 quần đảo, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định: “Cho đến khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp năm 1884 (Hiệp ước Paternote - HCH), Việt Nam đã nắm giữ, không có cạnh tranh và trong khoảng gần hai thế kỉ, một quyền đối với các quần đảo, theo đúng chế độ pháp luật của thời đó. Quyền này được thực thi không có nghi ngờ gì đối với các đảo Hoàng Sa”. Còn đối với quần đảo Trường Sa, “có những lý do để người ta nghĩ rằng sự quản lý của Việt Nam đã mở rộng cả tới các đảo Trường Sa. … Trong trường hợp này, đã có một ‘inchoate title’ (danh nghĩa sơ khởi) nghĩa là một quyền mới hình thành mà các người chủ sau đó phải củng cố” (tr. 108-109). Lập luận này càng được củng cố bởi hàng loạt ghi chép của các giáo sĩ, nhà du hành phương Tây đến Viễn Đông trong các thế kỉ XVII – XIX. Thậm chí ngay cả Phi-lip-pin, một quốc gia biển cận kề, cho đến năm 1898, Hiệp ước Paris giữa Tây Ban Nha và Mỹ về chuyển giao Phi-lip-pin sang sự quản lý của Mỹ, không hề nhắc đến một lời nào về quần đảo này.
Điểm đáng chú ý trong cuốn sách này là tác giả nhiều lần vận dụng luật quốc tế để phủ nhận, bác bỏ những yêu sách vô căn cứ của Trung Quốc, như luận điểm xem Việt Nam là chư hầu của Trung Quốc nên cho dù các đảo do Việt Nam chiếm cứ thì cũng thuộc Trung Quốc ! Về điểm này, căn cứ mức độ chư hầu của phong kiến châu Âu, tiền lệ phân xử vùng Noóc-măng-đi giữa Anh và Pháp, đặc biệt là thực tế mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tác giả khẳng định: “Chế độ chư hầu được Việt Nam chấp nhận trên danh nghĩa, dưới hình thức triều cống danh dự, đã không bao giờ để Trung Quốc nhìn vào mối quan hệ đối ngoại của nước Việt Nam. Nghĩa vụ tôn kính của triều đình Huế đối với triều đình Bắc Kinh là hoàn toàn hình thức” (tr. 105). Chế độ này đã kết thúc vào thời điểm ký Hiệp ước Paternote (6-6-1884), do đó “lập luận của Trung Quốc rút ra từ vấn đề chư hầu không thể có giá trị pháp lý” (tr. 106).
Chương III. Sự tiến triển tiếp theo của danh nghĩa. Về mặt pháp lý, từ sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam (1884), Pháp là quốc gia được thừa nhận thay mặt triều Nguyễn trong việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi vận dụng các quy tắc liên quan đến các quyền trên một lãnh thổ cuối thế kỉ XIX và sau đó theo thông lệ quốc tế, tác giả bác bỏ lập luận của học giả Trung Quốc về sự công nhận của Pháp đối với chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nằm phía đông “đường Bắc – Nam chạy qua mũi phía Đông của đảo Trà Cổ” (Quảng Ninh) theo Hiệp ước Pháp - Trung 1887. Nếu vậy, thì Phi-lip-pin cũng sẽ thuộc Trung Quốc! Mặt khác, nguyên tắc cấm thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực cũng khẳng định “chính sách pháo thuyền không có hiệu lực pháp lý. Sử dụng vũ lực không thể là cơ sở của một quyền” (tr. 127). Do đó, xem xét chính sách của Trung Quốc từ sự thờ ơ đối với cả 2 quần đảo này trong giai đoạn 1884-1909 đến việc bắt đầu chú ý đến nó trước ý muốn ngăn chặn tham vọng của Nhật Bản muốn bành trướng xuống Biển Đông khi năm 1909 quốc gia này yêu sách về các đảo Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa). Từ đây, các hoạt động thăm dò và tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa của chính quyền Trung Quốc mới bắt đầu và ngày càng dồn dập cho đến Chiến tranh thế giới thứ Hai. Sở dĩ Trung Quốc có thể làm được như vậy còn vì thái độ do dự của Pháp trong thời kì đầu của chế độ thuộc địa khi không nắm bắt hết chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với hai quần đảo này, cho đến cuối những năm 20 của thế kỉ XX. Từ năm 1928 trở đi, Pháp mới liên tục có những hành động xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mang giá trị pháp lý cao nhất là việc năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ ký nghị định sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và năm 1938, Toàn quyền Đông Dương thành lập Đại lý hành chính Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên mà không vấp phải sự phản ứng của bất cứ quốc gia nào. Cho đến sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi trở lại xâm lược Việt Nam, Pháp cũng liên tục có mặt trên một số đảo thuộc Hoàng Sa, bất chấp sự chiếm đóng trên những đảo nhỏ khác của quân đội Trung Quốc và Đài Loan. Đối với Trường Sa, sách liệt kê những tuyên bố chủ quyền và hành động chiếm đóng thực tế quần đảo này của Việt Nam cộng hòa, Phi-lip-pin, Đài Loan (đều trong năm 1956), Malaixia (1983) thì Trung Quốc mãi tới năm 1988 mới có mặt bằng việc tấn công chiếm đảo Gạc Ma do Việt Nam kiểm soát.
Chương IV. Các kết luận và các cơ sở giải quyết tranh chấp. Căn cứ vào tình hình thực tế, tác giả phân việc giải quyết Hoàng Sa và Trường Sa thành hai vấn đề như sau:
Đối với quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền của Việt Nam là lâu đời hơn và vững chắc hơn mặc dù các đòi hỏi của Trung Quốc đã được cụ thể hóa bằng vũ lực vào năm 1956 và 1974. Sự chiếm đóng này là hoàn toàn phi pháp và không có giá trị bởi “lý do thứ nhất nằm trong quy phạm hiện đại có mệnh lệnh về việc cấm sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Lý do thứ hai nằm trong các tuyên bố nhắc đi nhắc lại của Việt Nam phản kháng sự chiếm đóng bất hợp pháp đó, bảo tồn các quyền của họ có từ xưa, bởi vì ‘việc sở hữu một lãnh thổ không chấm dứt do chỉ do việc mất đi sự chiếm giữ vật chất, cần phải đi kèm theo việc mất đi đó ý định từ bỏ lãnh thổ” (tr. 182-183).
Đối với quần đảo Trường Sa, tác giả cho rằng dấu vết chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử là còn mờ nhạt trong khi Pháp mới chính là kẻ khẳng định quyền của mình với danh nghĩa chiếm đóng chứ không phải người thừa kế của Việt Nam. Yêu sách của Đài Loan gắn với việc quân Nhật rút khỏi quần đảo này (mà thật ra là Đài Loan không có quyền). Yêu sách của Phi-lip-pin không được thể hiện trước những năm 1970. Yêu sách của Malaixia thì rất mới. Riêng Trung Quốc, ngoài phát biểu về yêu sách năm 1951 thì việc chiếm đóng này chỉ mới bắt đầu từ năm 1988 sau hành động quân sự.
Từ đó, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, tác giả xem xét triển vọng giải quyết thông qua đàm phán hầu như bằng không. Bởi đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc khăng khăng rằng không có gì phải đàm phán với Việt Nam. Còn đối với Trường Sa, việc ra tòa án quốc tế cũng không thể bởi thái độ cự tuyệt của Trung Quốc, cho nên tác giả phải đặt câu hỏi: “Trong nhiều tài liệu khẳng định cao giọng và mạnh mẽ rằng họ có những bằng chứng không thể bác bỏ về các quyền lịch sử lâu đời của họ đối với các quần đảo thì họ còn sợ gì mà không trình bày các luận cứ của họ trước một cơ quan tài phán rộng rãi như Tòa án La Haye?” (tr. 188).
Cuối cùng, giải pháp dường như rất có hiện thực nhưng khó thực thi ở thời điểm này là thành lập chế độ cộng quản đối với Trường Sa bằng việc có một thỏa ước liên quốc gia giữa các nước hữu quan nhằm bảo đảm an toàn hàng hải trong khu vực và quản lý tài nguyên. Đi đến giải quyết vấn đề Trường Sa sẽ còn rất dài nhưng dẫn tới đó chính là “con đường đàm phán thật lòng chứ không phải con đường tương quan lực lượng” (tr. 191). Tuy vậy, khả năng này rất khó xảy ra bởi như lời mở đầu, tác giả đã viết từ chỗ “các nơi không người ở này trước thế kỉ XX không khơi dậy bất kì sự thèm muốn nào khác ngoài tham vọng của các hoàng đế An Nam, những người đã tổ chức một cách hợp lý việc đánh cá và thu hóa vật từ các tàu đắm ở đây” đến một loạt hành động của Trung Quốc trong thế kỉ XX đã “cho thấy một cách hùng hồn tham vọng không thể dập tắt của Trung Quốc trong khu vực, nhưng cũng cho thấy cả sự bền bỉ của Việt Nam trong việc nhắc lại một danh nghĩa tiền thuộc địa” (tr. 8-9).
Cần phải nói thêm là giá trị của cuốn sách được tăng lên bởi 49 phụ lục dài tới 137 trang, như bản đồ, Thư, Điện, Nghị định, Ghi chú, Công hàm, … liên quan đến chủ quyền đối với 2 quần đảo này, như Bộ Ngoại giao và Bộ thuộc địa Pháp, Tổng lãnh sự Pháp ở Quảng Châu và Phi-lip-pin, Toàn quyền Đông Dương, Thống đốc Nam Kỳ, … đã làm rõ hơn thái độ của Pháp đối với chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa trước tham vọng bành trướng từ phía Trung Quốc cũng như sự kế thừa hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa sau khi Pháp chấm dứt hiện diện ở Đông Dương.
Tuy còn có một số sai sót nhất định, như nhầm vua Lê Trang Tông vào cuối thế kỉ XV (tr. 89); sự kiện Bảo Đại thoái vị vào ngày 30-8-1945 nhưng bị ghi vào ngày 25-8-1945 (tr. 58), ngày 19-8-1945 (tr. 122); hoặc việc sắp xếp các tài liệu ở phần phụ lục không theo thời gian gây khó khăn cho việc tiếp cận diễn tiến sự việc một cách lô-gic nhưng giá trị cuốn sách không hề suy giảm. Cơ sở lịch sử và pháp lý mà tác giả đưa ra có giá trị tham khảo lớn trong việc giải quyết các tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo này.
Hoàng Chí Hiếu
[1]. Monique Chemilier - Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, (người dịch: Nguyễn Hồng Thao, hiệu đính: Lưu Văn Lợi, Lê Minh Nghĩa), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 27. Từ đây, những trích dẫn trong sách này, chúng tôi chỉ chú thích trang ngay sau câu trích.
Nguồn: Khoa Lịch sử
admin post: 2021-11-28 9:09:02 AM
Bài viết liên quan