Chân dung một người thầy, TS. Huỳnh Công Bá
Thầy giáo, TS. Huỳnh Công Bá sinh năm 1953, trong một gia đình nông dân thuần phác ở xã Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 1973, Thầy bước chân vào Khoa Luật của Viện Đại học Huế để thực hiện ước mơ trở thành một luật sư. Song ước vọng trở thành thầy giáo của Thầy ngày càng mãnh liệt hơn khi ngồi trên ghế giảng đường đại học. Vì vậy, năm 1974, Thầy đã vượt qua kỳ thi tuyển ngặt nghèo và trở thành sinh viên của Ban Sử - Địa, Khoa Sư phạm, Viện Đại học Huế. Từ năm 1974 đến năm 1978, mặc dù học tập trong những điều kiện khó khăn của đất nước, Thầy đã tỏ rõ là một sinh viên xuất sắc, thể hiện phẩm chất của một nhà khoa học tương lai, là người đầu tiên làm khóa luận tốt nghiệp tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế từ năm 1978 là bước ngoặt cuộc đời để Thầy thực hiện tâm nguyện: trở thành nhà giáo tâm huyết, trí tuệ và là nhà khoa học chân chính trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, tư tưởng và luật học Việt Nam. Cố đô Huế thật sự trở thành quê hương thứ hai của TS. Huỳnh Công Bá trong nửa thế kỷ, mảnh đất mà Thầy đã tạo ra không gian riêng để tiếp tục hoàn thành mục tiêu nghiên cứu của mình cho đến cuối đời.
Nói đến nhà giáo, TS Huỳnh Công Bá là nói đến tấm gương hiếu học, tấm gương tự học suốt đời. Tấm gương đó đã thể hiện ở giảng đường đại học và ngay cả khi trở thành giảng viên ở trường đại học có uy tín lâu đời ở miền Trung và cả nước. Để dấn thân vào con đường khoa học, Thầy đã ngày đêm dùi mài học tập ngoại ngữ. Thầy là một trong những nhà giáo có khả năng sử dụng cùng lúc nhiều ngoại ngữ trong nghiên cứu như Hán học, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp. Không chỉ nghiên cứu hàn lâm, Thầy Huỳnh Công Bá còn chịu khó “băng đồng, lội ruộng”, sưu tầm tư liệu điền dã, tạo ra cơ sở để Thầy mạnh bạo phản biện kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước và bảo vệ luận án Tiến sĩ xuất sắc vào năm 1996 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thầy Huỳnh Công Bá không chỉ là tấm gương hiếu học, mà cao hơn, Thầy là nhà giáo tâm huyết - trí tuệ và là người có “học hạnh”. Với quan điểm đem lại cho người học nhiều kiến thức và năng lực giá trị nhất, Thầy đã đưa kiến thức hàn lâm của mình đến các thế hệ học trò ở các bậc học với tình yêu thương của người đi trước, dẫn dắt các thế hệ sinh viên đi vào con đường khoa học chân chính. Thầy xem học trò, người học từ sinh viên đến học viên cao học và nghiên cứu sinh là người bạn thân thiết của mình trên con đường tiếp cận khoa học với sự tận tâm chỉ bảo. Từ khi tốt nghiệp đại học đến năm 2016, trải qua 38 năm, TS. Huỳnh Công Bá đã giảng dạy đại học và sau đại học tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, là giảng viên thỉnh giảng có uy tín tại nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Bên cạnh giảng dạy, TS. Huỳnh Công Bá còn tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên Cao học và sinh viên thực hiện luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ và khóa luận tốt nghiệp, tham gia nhiều Hội đồng chấm luận án và luận văn của nhiều trường đại học trong cả nước.
Đối với TS. Huỳnh Công Bá, cống hiến cho khoa học là lẽ sống. Sách, tài liệu lưu trữ, tư liệu điền dã và tư duy nghiên cứu đã giúp Thầy có những nét riêng về nghiên cứu, thể hiện sáng tạo cá nhân, được giới khoa học đón nhận với thái độ trân trọng. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Thầy đã có hơn 20 đầu sách thuộc bốn lĩnh vực: Lịch sử Việt Nam, Văn hóa Việt Nam, Tư tưởng Việt Nam và Luật pháp Việt Nam được xuất bản. Với chất lượng khoa học cao của các công trình nghiên cứu, TS Huỳnh Công Bá là một trong số ít nhà nghiên cứu có sách được lưu giữ ở 126 thư viện lớn của thế giới, đồng thời được Tổ chức Thư viện Điện tử Thế giới tại Hoa Kỳ xếp vào nhóm chuyên gia nghiên cứu thực thụ của thế giới. Ngoài ra, Thầy còn có hơn 200 bài nghiên cứu tham gia các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín ở Việt Nam.
Ngoài nghiên cứu các đề tài khoa học có tầm vĩ mô toàn quốc, khu vực, Thầy còn dành tâm huyết và thời gian cho các công trình nghiên cứu về quê hương Quảng Nam với nhiều đề tài và chuyên luận, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa và con người của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Tác phẩm “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII” là tập đại thành đầu tiên và tiêu biểu nghiên cứu về Quảng Nam đã được tỉnh Quảng Nam xuất bản thành sách. Ngoài giá trị khoa học, tác phẩm này được xem như một sự tri ân đối với với vùng đất sinh thành của Thầy.
TS. Huỳnh Công Bá còn là nhà khoa học sôi nổi và hăng hái trong các cuộc tranh luận khoa học với các bài phê bình về những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau.
Đối với TS. Huỳnh Công Bá, nghỉ hưu là không phải để an dưỡng tuổi già, mà chính là thời gian quý giá để tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thành các công trình khoa học mà Thầy hằng ôm ấp. Chính vì vậy, trong hơn một năm qua, trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, Thầy vẫn cố quên đi bệnh tật, hoàn thành được 2 bộ sách đồ sộ với gần 6.000 trang về luật pháp dân sự và hôn nhân gia đình dưới thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa.
Tấm gương tận tụy lao động sáng tạo của Thầy giáo, TS. Huỳnh Công Bá đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhiều lần xướng tên trong các công trình vinh danh các nhà khoa học Việt Nam và Thế giới với các danh vị là nhân vật điển hình của nghiên cứu lịch sử, là gương mặt có tác động đến toàn cầu, là một trong những gương mặt tiêu biểu của sự nghiệp khoa học, giáo dục và văn hóa Việt Nam. Tấm gương tiêu biểu về sự nghiệp khoa học của Thầy được đăng tải trên báo Tuổi trẻ, báo Thừa Thiên Huế (online), Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT) dành hẳn một phóng sự dài về tấm gương lao động sáng tạo khoa học của Thầy.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn về mặt khoa học và giáo dục, Thầy giáo, TS. Huỳnh Công Bá được Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tặng nhiều giấy khen, danh hiệu Chiến thi đua cấp cơ sở; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Huy chương vì Sự nghiệp giáo dục và nhiều bằng khen vì những thành tích xuất sắc và tiêu biểu về hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng Thầy Huỳnh Công Bá “Huy chương về Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật”.
TS. Huỳnh Công Bá đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh người thầy lấy khoa học làm lẽ sống, lao động sáng tạo quên mình vẫn mãi là nỗi nhớ và là động lực phấn đấu vì khoa học của đồng giới và đồng nghiệp. Thầy ra đi, song Thầy đã để lại cho đời hàng chục công trình khoa học có tính sáng tạo cao mà không phải ai cũng có thể làm được, là di sản quý giá sống mãi với thời gian. “Hôm nay viếng Anh trong nỗi buồn cách biệt. Anh đã đi xa nhưng những công trình về Sử học, Văn hóa và Luật học đã để lại nhiều giá trị lâu dài cho các thế hệ mai sau. Anh là một nhà khoa học tận tụy, suốt đời cống hiến, hy sinh cho khoa học. Những cống hiến của Anh đã để lại những thành quả to lớn mà không phải ai cũng có thể làm được. Sự cống hiến, hy sinh của Anh để lại giá trị cần được khẳng định. Anh làm việc cho đến hơi thở cuối cùng với xứ Huế... Vĩnh biệt Anh. Mong Anh yên nghỉ ngàn thu với quê hương Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam...” (trích lời ghi Sổ tang của PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 21/6/2021).
Nguồn: Khoa Lịch sử
admin post: 2021-06-23 11:43:02 AM
Bài viết liên quan