Thông báo

Kỷ niệm về lần gặp nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh của thầy và trò Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Trong chuyến thực tế lịch sử năm 2015, tại Nhà Công vụ số 5 Hoàng Diệu, Hà Nội, thầy và trò Khoa Lịch sử đã có may mắn được nguyên Chủ tịch Nước – Đại tướng Lê Đức Anh tiếp và nói chuyện về một số vấn đề sử học. Bài viết này giới thiệu một số nội dung chính của buổi gặp mặt này nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông (01-12-1920 – 01-12-2020).

Khi lưu tại Nhà khách 66 Bộ Quốc phòng, tình cờ được biết, nguyên Chủ tịch Nước – Đại tướng Lê Đức Anh đang ở trong Trạm này, chúng tôi có nguyện vọng vào thăm Ông với tư cách là những người con của quê hương Thừa Thiên Huế. Được sự tạo điều kiện và bố trí của Trạm 66, chiều ngày 01-4-2015, thầy và trò chúng tôi đã vào thăm Ông tại tầng 2 của tòa nhà N5. Khi vào phòng đã thấy ông ngồi chờ sẵn. Lần đầu tiên được gặp một nhân vật lớn, từng là nguyên thủ quốc gia, người đã đi qua 4 cuộc chiến tranh và có vai trò lớn trong việc kiến tạo thiết lập bang giao Việt – Mỹ, chúng tôi không khỏi hồi hộp. Tuy nhiên, cảm giác đó nhanh chóng bị xóa tan trong căn phòng được bài trí đơn giản, khi ông nở nụ cười và đứng dậy lần lượt bắt tay thăm hỏi từng người. Dù đã 95 tuổi nhưng Ông vẫn còn rất minh mẫn. Sau khi thăm hỏi về tình hình dạy học của thầy và trò, Ông nói với các thầy cô và các cháu sinh viên ngành sử cần lưu ý rằng lịch sử là tổng hoà của các mối quan hệ phức tạp, đan xen, tác động lẫn nhau. Người viết sử phải biết vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, bằng các cứ liệu các thực để lí giải một cách khoa học và thỏa đáng về các mối quan hệ nhân – quả, về vài trò của quần chúng và vai trò cá nhân trong lịch sử, … Điều đáng ngạc nhiên với thầy và trò chúng tôi, là với kinh nghiệm trải dài trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông không nói nhiều về mình mà lại nêu lên 3 vấn đề để lưu ý khi nghiên cứu về cuộc chiến này. Đại ý như sau:

Một là, khi nghiên cứu, phải hết sức chú ý việc phân tích, đánh giá các báo cáo số liệu, nhất là số liệu về số địch bị ta tiêu diệt, bởi tương quan lực lượng nên khi đối đầu với Mỹ, cách đánh của ta là nhằm vào sơ hở của nó, đánh nhanh, tập kích gọn rồi rút nên sẽ không có thời gian để đếm được số xác của đối phương. Do đó, khi sử dụng các số liệu báo cáo này cần phải “trừ” một vài chục phần trăm nhất định thì mới chính xác được. Ông cho biết thêm, chẳng hạn như trong trận chống càn Juntion City (tháng 2 đến tháng 4-1967), với tư cách là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền, trực tiếp chỉ huy chống càn, có đơn vị báo cáo đã “tiêu diệt gọn được một tiểu đoàn địch” nhưng hôm sau vẫn thấy tiểu đoàn đó hành quân càn quét. Do đó, ông bảo anh em trinh sát nắm tình hình cho sát, tránh chủ nghĩa thành tích, bởi nếu chỉ căn cứ vào báo cáo mà có thể thay đổi bố trí lực lượng thì hậu quả sẽ khôn lường.

Hai là, lưu ý về sức mạnh của toàn dân tộc trong thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là người trực tiếp cầm quân trên chiến trường và là người dẫn đầu một trong năm cánh quân đánh vào Sài Gòn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, ông cho rằng chỉ riêng sức mạnh quân sự thì không dễ dàng mà vào được Sài Gòn như thế nếu không có hoạt động của lực lượng tại chỗ đã “dọn đường”. Đó có thể là những người trực diện đấu tranh với chính quyền Sài Gòn, góp phần làm suy yếu bộ máy đó; có thể là những người âm thầm vận động binh lính Sài Gòn rã ngũ; có thể đó là những người dân bình thường nhưng bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng dẫn đường cho bộ đội tiến nhanh vào nội đô, … Do đó, các nhà nghiên cứu phải hết sức chú ý xem hoạt động của các lực lượng chính trị tại các đô thị như thế nào, vai trò của họ đối với cuộc kháng chiến, …

Ba là, đối với quê hương Thừa Thiên Huế, ông có trăn trở là cần tìm hiểu vì sao, trong những ngày cuối cùng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, trước cuộc hành quân thần tốc của ta, nhiều giới đồng bào lại chạy đi trước mũi súng của Quân Giải phóng chứ không phải ngược lại. Phải chăng, công tác tuyên truyền rồi thực hành trận chiến của chúng ta có vấn đề. Mặc dù việc tháo chạy của đồng bào góp phần gây nên tình trạng rối loạn, thúc đẩy nhanh hơn đà tan rã của chính quyền và quân đội Sài Gòn nhưng cũng gây nên nhiều đau thương, mất mát. Đó là điều đáng suy nghĩ và nghiên cứu cẩn thận. Như vậy, chúng ta mới tránh được những sai lầm và góp phần củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng đất nước.

Cuộc gặp với ông dự kiến ban đầu khoảng 1 tiếng đã kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, thấy ông đã có vẻ mệt, chúng tôi xin phép được rút lui sau khi chúc ông khỏe, tiếp tục có những cống hiến với đất nước. Điều cảm động là tuy đã muộn nhưng ông vẫn ân cần cho phép chụp ảnh chung với từng thầy và trò trước khi chia tay. Những câu chuyện của ông đã đi sâu và trở thành một phần hành trang nghiên cứu của chúng tôi kể từ ngày ấy.

 

 

 

 

 

(P/S: Sau cuộc gặp này, từ lời dặn thứ 2 của ông, tôi đã tìm hiểu và có bài nghiên cứu: Lực lượng thứ Ba từ sau Hiệp định Paris (27-1-1973) đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 tham gia Hội thảo quốc tế 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức tại Bình Dương cuối tháng 4-2015).

                                                                                                Huế, 6h sáng ngày 01-12-2020

                                                                                                PGS.TS. Hoàng Chí Hiếu

Nguồn: Khoa Lịch sử
admin post: 2020-12-01 4:38:12 PM

Bài viết liên quan


Right menu loadding...